Phát triển logistics xanh: Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu dược, nông sản sang Australia
11 tháng trước | 27/11/2023
Logistics đóng vai trò quan trọng để hình thành chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam và Australia. Logistics xanh được coi là xu hướng tương lai, phản ánh trách nhiệm tích cực của doanh nghiệp và nâng cao độ cạnh tranh… Theo bà Phùng Thị Lan […]
Logistics đóng vai trò quan trọng để hình thành chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam và Australia. Logistics xanh được coi là xu hướng tương lai, phản ánh trách nhiệm tích cực của doanh nghiệp và nâng cao độ cạnh tranh…
Theo bà Phùng Thị Lan Phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định Thương mại tự do châu Á – Australia – New Zealand (AANZFTA) mang đến cơ hội lớn cho Việt Nam và Australia với việc loại bỏ thuế quan lên đến 92% đối với hàng hóa từ Việt Nam và 100% đối với hàng hóa từ Australia.
CHI PHÍ LOGISTICS CAO
Tuy nhiên, tại diễn đàn “Phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản và dược phẩm xuất nhập khẩu – Kết nối hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa Australia và Việt Nam”, được tổ chức ngày 17/11/2023, tại TP.HCM, bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI), cho biết các doanh nghiệp lại phải đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Australia, như chi phí cao và chính sách nhận hàng…
Mặc dù, theo khảo sát từ chủ sở hữu hàng hóa và nhà cung cấp dịch vụ logistics do VLI thực hiện từ tháng 8 – 10/2023, cho thấy trong lĩnh vực logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp cam kết mạnh mẽ với 44,2% đánh giá rất tốt, 25% đánh giá tốt. Doanh nghiệp nông nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ logistics đều chủ động thực hiện chính sách và quy trình xanh.
Theo Tham tán, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam – bà Cherie Anne Russell, nông nghiệp và công nghiệp dược phẩm là những lĩnh vực mà Australia quan tâm thúc đẩy phát triển trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Trong đó, logistics đóng vai trò quan trọng để hình thành chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu để thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam và Australia. Logistics xanh được coi là xu hướng tương lai, phản ánh trách nhiệm tích cực của doanh nghiệp và nâng cao độ cạnh tranh.
Thông tin thêm về xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Australia, bà Hồ Thị Thu Hòa cho biết một số loại trái cây như xoài, thanh long và nhãn đã chiếm lĩnh thị trường Australia. Năm 2022, lượng lớn sản phẩm nông nghiệp bao gồm gạo, tiêu, cà phê và hạt điều đã được xuất khẩu sang Australia. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của giá trị xuất khẩu đạt 6,8%.
Hiện nông nghiệp và công nghiệp dược phẩm là những lĩnh vực mà Australia quan tâm thúc đẩy phát triển trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Ảnh: PA.
Về chi phí logistisc, bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU, cho biết nông sản Việt Nam xuất khẩu có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít bất lợi khi xuất khẩu nông sản đang phụ thuộc các hãng hàng không nước ngoài, phí vận chuyển nâng hạ tùy vào các hãng. Còn vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy… trái cây rất dễ bị hư hỏng, giảm sức cạnh tranh.
So sánh với nước bạn trong khu vực, như Thái Lan, nông sản Việt lại gặp thách thức bởi Thái Lan có nhiều chuyến bay đến Mỹ, châu Âu, Australia, Trung Đông… mỗi ngày. Các hãng tàu có 70 điểm đến ở châu Á, Ấn Độ, Trung Đông. Giá cả vận tải của Thái Lan đi đến các thị trường quốc tế thấp hơn so với Hà Nội, TP.HCM từ 1 đến 1,2 USD/kg.
PHÁT TRIỂN LOGISTICS HƯỚNG TỚI “XANH”
Các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, cho rằng Chính phủ đã nỗ lực xây dựng nhiều tuyến đường kết nối đến các vùng nguyên liệu như Sơn La, An Giang, Khánh Hòa… giúp thời gian vận chuyển được rút ngắn rất nhiều. Tuy nhiên, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối tốt từ các vùng nguyên liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để người nông dân, hợp tác xã có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất.
Đồng thời, cần quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, bao gồm có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế, từ đó nâng cao chất lượng, ổn định giá thành. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực. Mặt khác, kết nối đường thủy, đường bộ, đường sắt, phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa.
Đối với giải pháp phát triển logistics xanh, hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản Việt Nam, ông Craig Luxton, Giám đốc Tư vấn chính Công ty Luxton & Co, cho biết Australia đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong hệ thống logistics xanh.
Tuy nhiên, theo ông Craig Luxton, logistics xanh đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm thiểu tác động môi trường. Đầu tiên, logistics đang phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong lĩnh vực vận chuyển và đóng gói. Việc giao hàng chặng cuối, mặc dù quan trọng, lại góp phần vào ô nhiễm và tắc nghẽn đô thị. Chi phí đầu tư ban đầu cao vào các công nghệ mới cũng là một rào cản đáng kể. Việc theo dõi lượng khí thải carbon từ các nguồn gián tiếp rất khó khăn.
“Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đại phần lớn được phân cấp, điều này khiến việc xanh hóa chuỗi cung ứng trở nên khó khăn hơn do chính sách khác nhau giữa các quốc gia và khu vực pháp lý”, ông Craig Luxton nhấn mạnh.
TP.HCM lập 7 trung tâm logistics
Theo Văn phòng UBND TP.HCM, từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng 7 trung tâm logistics, gồm: Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao TP. Thủ Đức; các trung tâm logistics: Cát Lái, Long Bình, Linh Trung, Củ Chi, Hiệp Phước, Tân Kiên. Thành phố cũng kêu gọi đầu tư 4 vị trí dự án trung tâm logistics khác.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ tiến hành rà soát, thống kê số liệu kho bãi tập trung trên địa bàn để đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, gồm đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đường sắt.
ờng thế giới.