Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp không thể thiếu vai trò của các hợp tác xã
12 tháng trước | 27/11/2023
Để phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn không thể chỉ làm một khâu như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, hay phân phối… mà yêu cầu cần phát triển bền vững trong cả chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Trong đó không thể thiếu vai trò […]
Để phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn không thể chỉ làm một khâu như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, hay phân phối… mà yêu cầu cần phát triển bền vững trong cả chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Trong đó không thể thiếu vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp…
Phát triển nông nghiệp bền vững không thể thiếu vai trò của các hợp tác xã.
Tại diễn đàn: “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức, ngày 24/11, TS Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đỏi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã”.
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG KHÔNG THỂ THIẾU VAI TRÒ CỦA HỢP TÁC XÃ
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết Nghị quyết số 106/NQ-CP mà Chính phủ ban hành vào tháng 7/2023 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đưa ra mục tiêu đến năm 2025 nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững và ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương đang đòi hỏi cần có những giải pháp có tính đồng bộ.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
“Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển hợp tác xã nông nghiệp, nhất là phát triển bền vững. Chỉ có hợp tác xã phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp của Việt Nam vượt qua thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết tính đến hết tháng 10/2023, cả nước có 95 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 20.309 hợp tác xã nông nghiệp, 34.555 tổ hợp tác. Dự kiến hết năm 2023, cả nước có 20.357 hợp tác xã nông nghiệp.
Năm 2023, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã nông nghiệp dự kiến đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, lãi bình quân hợp tác xã nông nghiệp đạt 400 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên hợp tác xã nông nghiệp đạt 52 triệu đồng.
Theo ông Thịnh, đến nay cả nước thực hiện các chuỗi liên kết – chế biến – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 286 tổ chức khoa học, 686.445 hộ nông dân, 4.228 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với 2.167 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đối với các chuỗi nông sản an toàn, có 1.644 chuỗi được chứng nhận với 2.346 sản phẩm.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ ban hành Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoan 2022-2025, đã đưa ra các nội dung, giải pháp phát triển triển các vùng nguyên liệu tập trung đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của các hợp tác xã nông nghiệp trong việc kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Mục tiêu chính của Đề án là hình thành được 5 vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800 ha. Đề án cũng đặt ra mục tiêu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; giảm chi phí sản xuất 5-10%; tăng giá trị từ 10-20%; tăng thu nhập 5-10% cho nông dân.
SẢN XUẤT CẦN TUÂN THỦ CÁC TIÊU CHUẨN BỀN VỮNG
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế.
“Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp được xem là tất yếu và sống còn. Có thể thấy, phát triển nông nghiệp bền vững giờ đây không còn là vấn đề khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường xuất khẩu”, bà Nga nhấn mạnh.
Tại các quốc gia phát triển đã và đang triển khai chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh.
Cụ thể, Hướng dẫn 79/117/EEC của Ủy ban châu Âu (EC), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0. Nếu EU phát hiện có bất cứ một chất cấm nào tồn dư trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu hủy, nhà cung cấp (xuất khẩu) sẽ phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy, thậm chí có thể bị truy tố.
Các yêu cầu nhà xuất khẩu phải tuân thủ các đạo luật về Thỏa thuận xanh châu Âu, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Luật Thẩm định chuỗi cung ứng bắt buộc các công ty quản lý chặt chẽ các tác động về môi trường trong cả sản xuất, kinh doanh.
Diễn đàn Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS.Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Ban Kinh tế Trung ương, cho biết Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi xanh như: Quyết định số 1658 về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050”.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09 về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/ 6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Tuy vậy, TS. Hùng cho rằng quá trình chuyển đổi xanh cũng mang đến nhiều thách thức cho các hợp tác xã nông nghiệp, như sự phát triển không đồng đều của hợp tác giữa các địa phương, vùng, miền dẫn đến việc các hợp tác xã khó hấp thụ được các cơ chế, chính sách chuyển đổi xanh như: chính sách đào tạo, các chương trình đào tạo, tích hợp nội dung tăng trưởng xanh trong hoạt động của hợp tác xã; các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với việc giảm phát thải carbon.
“Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã. Ngoài ra, năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp dẫn đến khó áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải carbon thấp…”, TS. Hùng nêu thực tế.
TS. Vũ Mạnh Hùng cho rằng cần cơ cấu lại nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo nguồn lực được tập trung đúng và đủ cho các chính sách tạo động lực để hợp tác xã nông nghiệp tự thân phát triển bền vững như chính sách Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ mới đối với hợp tác xã; Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Mở rộng thị trường; Tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã…
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý, các hợp tác xã nông nghiệp cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm, thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững và không làm hại tới môi trường.